Tin tức

Ô nhiễm biển từ nước thải trên đất liền

Ô nhiễm biển từ nước thải trên đất liền

Ô nhiễm biển là vấn đề mà các quốc gia, tổ chức trên thế giới nói chung và Việt Nam luôn đặt sự quan tâm lên hàng đầu. Trong đó, nước thải trên đất liền được xem là mối hiểm họa, đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đến môi trường và hệ sinh thái biển nếu không được xử lý.

Vấn đề ô nhiễm biển từ nước thải trên đất liền

Nước thải được xem là một trong số 3 nguồn ô nhiễm chính đối với biển bên cạnh các chất dinh dưỡng và rác thải. Nước thải khi chưa được xử lý sẽ chứa các chất khó phân hủy, độc hại và cả vi nhựa, những chất này thải trực tiếp ra biển và đại dương với xu hướng ngày càng tăng, đồng thời đe dọa đến hệ sinh thái biển. Dựa trên Báo cáo từ UNEP, hiện nay đã có nhiều khu vực trên thế giới có hơn 80% nước thải chưa xử lý đổ ra vùng nước ngọt và ven biển.

Tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm biển từ nước thải trên đất liền cũng khá nghiêm trọng, cụ thể:

  • 83,5% khu công nghiệp và 10,7% khu chế xuất chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
  • 87% nước thải sinh hoạt từ đô thị vẫn chưa được xử lý.
  • Quan trắc nước thải tự động, trực tuyến từ những khu công nghiệp vẫn chưa đạt yêu cầu.
  • Khu vực nông thôn và miền núi thải trực tiếp nước thải sinh hoạt ra môi trường.

Vấn đề ô nhiễm biển từ nước thải trên đất liền đang đặc biệt nghiêm trọng.

Chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường biển từ nước thải trên đất liền tại Việt Nam

Ở Việt Nam cũng như các quốc gia đang phát triển khác đang gặp vấn đề nghiêm trọng về bảo vệ môi trường biển do nước thải có nguồn từ đất liền. Do đó, Việt Nam đã ban hành những văn bản quy phạm pháp luật cùng với các công cụ phòng ngừa, ngăn chặn và kiểm soát nước thải.

- Quy định về phòng ngừa, ngăn chặn và kiểm soát nước thải

Nhằm hạn chế nguy cơ ô nhiễm biển do nước thải từ đất liền, những nguồn phát sinh cần được ngăn chặn, phòng ngừa và kiểm soát một cách hiệu quả. Những điều luật về quy định và xử lý chất ô nhiễm trước khi xả thải được đề cập cụ thể trong 2 bộ luật là Luật Bảo vệ môi trường 2014Luật Tài nguyên nước 2012.

  • Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định những nội dung nhằm quản lý hoạt động xả thải như cơ sở vật chất của hoạt động xả nước thải, cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý nước thải cũng như các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước,...
  • Luật Tài nguyên nước 2012 quy định về cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, cùng với những quy định liên quan khác đến khai thác và bảo vệ nguồn nước. Hiện nay, dựa theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước được quy định như một loại giấy phép môi trường. Vì thế, những quy định trực tiếp về quản lý nước thải được quy định chủ yếu trong  Luật Bảo vệ môi trường 2014 và 2020, cùng với văn bản hướng dẫn thi hành.

Ngoài ra, đối với riêng việc thu gom và xử lý nước thải, Luật Bảo vệ môi trường 2014 và văn bản hướng dẫn thi hành đã đưa ra nội dung và điều kiện cụ thể về cơ sở vật chất của những đối tượng phát sinh nước thải đáp ứng để kiểm soát nước thải theo quy chuẩn, tiêu chuẩn. Đến nay, những quy định này được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nội dung chi tiết hơn về thu gom và xử lý nước thải ở khu kinh tế, cụm công nghiệp, khu kinh doanh, sản xuất,... Đồng thời, Luật cũng bổ sung những quy định nhằm xử lý các khó khăn khi thực hiện quy định về quản lý nước thải tại các khu dân cư, khu đô thị.

>>> Tham khảo thêm: Tìm hiểu về nước thải công nghiệp

- Chiến lược trong quản lý nước thải

Ngoài áp dụng các quy định pháp luật trong quản lý nước thải, một số chiến lược khác cũng được ứng dụng để bảo vệ môi trường biển.

Theo chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ đưa ra nhiều biện pháp giúp tăng cường hiệu quả quản lý nước thải và đặt được mục tiêu bảo vệ môi trường. Trong đó, chiến lược đặc biệt chú trọng vào kiểm soát ô nhiễm môi trường tại lưu vực sông và hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các đô thị, khu chế xuất, khu công nghiệp đạt yêu cầu.

Khi thực hiện chiến lược, một số thành tựu đã được ghi nhận như:

  • Tỷ lệ khu chế xuất, khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu là 89,28% trong năm 2019 (tăng gần 60% so với 2010);
  • Tỷ lệ khu chế xuất, khu công nghiệp có lắp đặt thiết bị quan trắc trực tuyến, tự động đạt hơn 87,6%.

Mặt khác, Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế với một số dự án của các tổ chức COBSEA và PEMSEA trong khu vực nhằm thúc đẩy hoạt động kiểm soát ô nhiễm biển.

Điều chỉnh và tăng cường nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm biển do nước thải trên đất liền

Nhìn chung, công tác quản lý nước thải tại Việt Nam đã nhận được sự quan tâm về cả pháp luật lẫn chính sách, nguồn lực. Tuy nhiên, điều này vẫn còn đối mặt với nhiều hạn chế nhất định. Trong đó, hạn chế lớn nhất chính là nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý nước thải. Bên cạnh đó, công tác cấp giấy phép xả thải hiện nay chủ yếu được xem xét dành cho các công trình riêng lẻ mà chưa triển khai theo hướng quản lý tổng hợp và còn thiếu sót thông tin dữ liệu liên quan.

Để giải quyết hiệu quả nguồn ô nhiễm biển do nước thải trên đất liền gây ra, một số biện pháp, công cụ và hoạt động đã được điều chỉnh và tăng cường cho phù hợp:

  • Thứ nhất, cấp phép xả thải vào môi trường cần đảm bảo tính phù hợp với nguồn tiếp nhận, đồng thời cần nghiêm túc đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải và đầu tư nguồn lực cho cấp phép xả nước. Bên cạnh đó, các biện pháp bắt buộc, cũng như quy định về tái sử dụng nước thải, xử lý nước thải cũng được ban hành.
  • Thứ hai, tăng cường xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng trong xử lý nước thải bằng cách huy động nguồn lực. Nhà nước cần khuyến khích, huy động sự tham gia từ khối tư nhân về đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác các hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu thiết bị xử lý nước thải với giá thành rẻ cùng đa dạng quy mô. Bên cạnh đó Nhà nước cần đưa ra lộ trình mức phí đối với cá nhân, tổ chức sử dụng nước và xả ra môi trường.
  • Thứ ba, lồng ghép những biện pháp quản lý ô nhiễm nguồn nước thông qua các hoạt động trên đất liền, thể hiện qua các chiến lược, kế hoạch có liên quan để quản lý nước thải hiệu quả. Đồng thời, xác định điểm nóng về nguồn nước thải phát sinh để sớm chủ động thực hiện phòng ngừa các vấn đề nghiêm trọng.
  • Thứ tư, Nhà nước cần có chiến lược truyền thông về sử dụng nguồn nước hiệu quả. Cán bộ quản lý cần phải có kiến thức đầy đủ về quản lý nước thải để triển khai hiệu quả các chính sách, pháp luật do Nhà nước ban hành. Đồng thời, người dân hiểu biết về vấn đề sử dụng nước và xả thải sẽ giúp tăng cường tuân thủ pháp luật.
  • Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế sẽ góp phần tăng cường khả năng phòng chống ô nhiễm biển do nước thải trên đất liền. Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác, trao đổi, học tập cùng với chuyển giao công nghệ tiên tiến. Cùng với đó, với các hoạt động đang được triển khai trong khu vực, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác, đàm phán, xây dựng cam kết khu vực, cùng các quốc gia nỗ lực bảo vệ môi trường biển.

Vấn đề ô nhiễm biển do nước thải trên đất liền hiện đang được sự quan tâm của các cơ quan quản lý và Nhà nước. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích về chính sách, pháp luật của vấn đề ô nhiễm môi trường biển do nước thải từ đất liền.

>>> Xem thêm: Mục tiêu phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước đến năm 2030